Ngành Thuốc Thú y Việt Nam đang tự chủ trong việc nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc và vắc xin thú y, không chỉ đáp ứng nhu cầu rất lớn của ngành chăn nuôi trong nước, mà còn hướng đến xuất khẩu. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tìm kiếm, xuất khẩu thuốc thú y đến các thị trường khắt khe, khẳng định uy tín trên trường quốc tế.
Bước tiến mạnh mẽ của ngành sản xuất thuốc thú y
Ngành sản xuất thuốc thú y ở Việt Nam được bắt đầu vào những năm 90, trước khi có Pháp lệnh Thú y năm 1993, trên phạm vi cả nước tại thời điểm đó có chỉ có 14 cơ sở sản xuất nhỏ, sản xuất 15 loại thuốc dược phẩm thông thường, chủ yếu là san chia vài loại kháng sinh và sản xuất một số thuốc đơn giản như Vitamin (B1, C) lượng thuốc thú y sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Về vắc xin, chế phẩm sinh học dùng trong thú y chỉ có 3 đơn vị sản xuất 43 loại, chủ yếu là các loại vắc xin đơn giá, sử dụng giống gốc và quy trình sản xuất cũ từ nhiều thập nhiên trước. Đến nay, cả nước hiện có 89 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc, 10 cơ sở sản xuất vắc xin đạt chứng nhận thuốc GMP của WHO.
Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc Cục Thú y cho biết, hiện nay, tổng số sản phẩm thuốc thú y đăng ký lưu hành tại Việt Nam là rất lớn, với 12.501 sản phẩm (9.154 sản phẩm thuốc sản xuất, 3.347 sản phẩm thuốc thú y nhập khẩu); thuốc thú y thủy sản là 1.592 sản phẩm (1.468 thuốc sản xuất trong nước, 124 sản phẩm thuốc nhập khẩu).
Thuốc thú y sản xuất đáp ứng được 80% nhu cầu của thị trường, tiêu dùng trong nước để phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc củng cố thị trường nội địa, nhiều công ty đã tìm kiếm thị trường xuất khẩu, hiện đã có 1.500 loại thuốc thú y của Việt Nam được xuất khẩu đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, số lượng thuốc thú y xuất khẩu có chiều hướng gia tăng, với giá trị xuất khẩu trung bình mỗi năm đạt 22 triệu USD. “Điều này khẳng định được uy tín cũng như chất lượng của thuốc thú y sản xuất trong nước”, ông Lê Toàn Thắng khẳng định.
Hiện tại, có 10 cơ sở sản xuất vắc xin đã được cấp giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y (WHO-GMP) với tổng số 180 sản phẩm vắc xin được cấp phép lưu hành theo quy định.
Về cơ bản, Việt Nam đã sản xuất được vắc xin phòng các bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh trong nước và xuất khẩu. Đến nay, 3 công ty sản xuất vắc xin là Hanvet, Navetco và Avac đã sản xuất trên 10 loại vắc xin thú y xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Myanmar, Campuchia… đồng thời, xuất khẩu vắc xin bán thành phẩm đến Đài Loan, Nhật Bản.
Vắc xin thú y được sản xuất trong nước đã đáp ứng được 30% nhu cầu vắc xin phòng bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm và đã chủ động sản xuất được một số loại vắc xin phòng bệnh truyền lây từ động vật sang người như: Cúm gia cầm, Tai xanh, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn châu Phi…
Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành thuốc thú y, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ… Đồng thời, Nhà nước cũng đẩy mạnh quản lý chất lượng và an toàn của thuốc thú y, tăng cường kiểm tra và giám sát thị trường.
Doanh nghiệp tích cực, chủ động xuất khẩu thuốc thú y
Không chỉ đáp ứng về cơ bản nhu cầu phần lớn thuốc thú y và một phần vắc xin cho đàn vật nuôi trong nước, mà các doanh nghiệp thuốc thú y đã và đang tìm cho mình con đường “xuất ngoại”.
Ngày 30/7/2024, Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Toàn Thắng đã xuất khẩu thành công thuốc thú y sang Philippines. Toàn Thắng đã có 300 sản phẩm được xuất khẩu đi 10 quốc gia. Định hướng năm 2025, Toàn Thắng xuất khẩu thuốc thú y, thức ăn bổ sung, thuốc bổ trợ tới 15 quốc gia; năm 2030 xuất khẩu tới 30 quốc gia.
Là một doanh nghiệp “gạo cội” của ngành thuốc thú y, các sản phẩm của Hanvet đã được xuất bán trên 30 quốc gia như: Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Malaysia, Srilanca, UAE, châu Phi, Mông Cổ…
Công ty TNHH Thuốc Thú y Á Châu (Achaupharm) đã hơn 10 năm “cắm cờ” xuất khẩu thuốc thú y Việt Nam đến gần 40 quốc gia. Thời gian tới, Á Châu sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa và một số thị trường khó tính như một số nước thuộc châu Mỹ và châu Âu.
Tháng 5/2024, Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo, lô hàng xuất khẩu này gồm thuốc kháng sinh và thuốc sát trùng mang thương hiệu Sakan với tổng giá trị xuất khẩu trên 200.000 USD. Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn Vũ Mạnh Hùng cho biết, đây là lần đầu tiên Visakan xuất khẩu thuốc thú y sang thị trường Hồi giáo. Thị trường các quốc gia Hồi giáo là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Muốn đưa hàng hóa vào thị trường này doanh nghiệp phải đạt chuẩn Halal. Đây được xem là tiêu chuẩn nghiêm ngặt của đạo Hồi, từ các thành phần nhỏ nhất cho đến khâu quan trọng là chế biến, vận chuyển.
Theo ông Bạch Quốc Thắng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thú y xanh Việt Nam (Greenvet), Greenvet đã tìm đường xuất khẩu cách đây khoảng 3-4 năm sang 5 nước là Indonesia, Malaysia, Pakistan, Iraq, Campuchia. Tuần vừa rồi, Greenvet đã xuất khẩu thành công 1 container thuốc thú y sang Thổ Nhĩ Kỳ. Bước đầu, doanh thu chưa lớn nhưng tín hiệu đáng mừng là thị trường quốc tế có phản hồi rất tích cực về các sản phẩm của nước ta, họ rất thích dùng hàng Việt Nam. Thông qua khảo sát của công ty, trước đây cũng có rất nhiều công ty đã xuất khẩu rồi và để lại tên tuổi rất tốt. Chính vì thế, khi đã có tiền đề từ trước đó, Greenvet tiếp cận với thị trường quốc tế cũng đươc đánh giá cao hơn.
Trong lĩnh vực vắc xin, tháng 10/2023, Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam và đối tác quốc tế đã ký kết hợp đồng phân phối sản phẩm vắc xin AVAC ASF LIVE sang Philippines. Bộ Nông nghiệp và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines đã công bố việc triển khai vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi vào quý III/2024.
Sự phát triển của ngành sản xuất thuốc thú y không chỉ đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, “tấm lá chăn” bảo vệ và góp phần phát triển ngành chăn nuôi trong nước mà còn xuất khẩu đến các nước trên thế giới, củng cố vị thế của ngành thuốc thú y Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngày 18.1.2021, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), quá trình triển khai thực hiện đến nay phát sinh một số vấn đề tồn tại, bất cập cần khắc phục.
Xem thêmNhững năm trở lại đây, các loại thức ăn nuôi gia cầm đồng loạt tăng giá, trong khi giá bán gia cầm có xu hướng giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Đồn Xá (huyện Bình Lục) có nguy cơ thua lỗ. Vậy, làm thế nào để hỗ trợ các hộ chăn nuôi vượt khó, ổn định phát triển sản xuất? Đó chính là vấn đề đặt ra không chỉ đối với người chăn nuôi mà cả với cấp ủy, chính quyền xã Đồn Xá.
Xem thêmCông ty Thức ăn chăn nuôi FAGO vừa tổ chức khánh thành và đi vào hoạt động Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi FAGO miền Trung. Nhà máy có diện tích gần 3,5 ha, tổng vốn đầu tư 380 tỷ đồng, công suất 45 tấn/ giờ.
Xem thêmĐội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra 05 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, lấy 10 mẫu thức ăn chăn nuôi thử nghiệm chất lượng; kết quả, phát hiện nhiều mẫu giả, không đảm bảo chất lượng, đã thu phạt gần 100 triệu đồng.
Xem thêm